Sáng ngày 15.11, Trường cao đẳng Viglacera đã tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo tại các doanh nghiệp thuộc tổng công ty Viglacera – CTCP. Tham dự Hội thảo có đại diện của gần 40 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Viglacera: Công ty CP Vigraera Thăng Long, Công ty cổ phần Viglacera Tiên Sơn, Công ty Sứ Viglacera Bình Dương, Công ty CP Viglacera Hạ Long…cùng đội ngũ giáo viên thỉnh giảng đến từ các đơn vị. Về phía nhà trường có PGS-TS-NGƯT Trần Ngọc Tính – Hiệu trưởng, bà Nguyễn Thị Hải Yến – Phó hiệu trưởng nhà trưởng và cán bộ, giáo viên thuộc các Phòng – Khoa.

DSC_0941.JPG

PGS -TS-NGƯT Trần Ngọc Tính - Hiệu trưởng nhà trường-Phát biểu tại Hội thảo

Trong năm học 2017 – 2018, Trường Cao đẳng Viglacera đã đào tạo 279 học viên hệ cao đẳng và đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho 3986 người lao động. Là một đơn vị thực hiện mô hình đào tạo kép, Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo tại các doanh nghiệp được Trường Cao đẳng Vigalcera tổ chức định kỳ hằng năm nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đạt được trong triển khai hoạt động đào tạo; đặc biệt, nhà trường lắng nghe những ý kiến đóng góp từ các đơn vị để từ đó xây dựng chương trình đào tạo chất lượng, chuẩn mực, sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu công việc. Sự bắt tay, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ đem đến những giải pháp tích cực, khả thi nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai, để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

DSC_0913.JPG

Bà Nguyễn Thị Hải Yến-Phó hiệu trưởng nhà trường-điều hành chương trình Hội thảo

Tại Hội thảo, nhiều vấn đề thiết thực đã được thảo luận như: hoàn thiện công tác giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại doanh nghiệp (rà soát lại đội ngũ giảng viên tại doanh nghiệp, đảm bảo đủ điều kiện tham gia giảng dạy; nâng cao tay nghề cho giảng viên trẻ, hoàn thiện nghiệp vụ sự phạm cho đội ngũ giáo viên thỉnh giảng; sự tham gia và phối hợp của giáo viên thỉnh giảng trong công tác biên soạn, hiệu chỉnh giáo trình…); tổ chức quản lý học tập hiệu quả (đảm bảo thời gian, thời lượng đào tạo theo chương trình và đáp ứng được yêu cầu sản xuất của đơn vị; bố trí thực hành chéo tại các công đoạn khác nhau trong dây chuyền sản xuất; quản lý lớp học, sĩ số học viên, đảm bảo tuân thủ kỷ luật của nhà trường cũng như đơn vị; đánh giá chất lượng trong và sau mỗi chương trình đào tạo…); thù lao cho giáo viên thỉnh giảng. Trong không khí thảo luận cởi mở, thẳng thắn, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp hữu ích, khả thi.

DSC_0923.JPG

Đại diện các doanh nghiệp đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Theo đại diện Công ty Cp Viglacera Tiên Sơn, nhà trường nên tăng cường tổ chức cho học viên đi thực tập tại các nhà máy trực thuộc Tổng công ty để từ đó giúp người học hiểu rõ hơn về công việc, quy trình công nghệ, mô hình tổ chức, phân công chức năng nhiệm của từng bộ phận, từ đó học viên biết mình đang ở đâu, cần làm gì, cần có những kiến thức – kỹ năng nào để hoàn thành xuất sắc công việc cũng như đạt được vị trí mong muốn. Thực tập tại doanh nghiệp sẽ thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức được đào tạo tại trường và yêu cầu thực tế công việc.

DSC_0922.JPG

Tán thành với ý kiến trên, đại diện đến từ Công ty CP Viglacera Việt Trì khẳng định bên cạnh tăng cường hoạt động thực hành, nhà trường phải có sự đánh giá về kết quả, chất lượng thực hành. Mặc dù gặp khó khăn về mặt bằng, tuy nhiên, nhà máy và nhà trường cần quyết tâm bố trí, sắp xếp khu vực riêng để phục vụ cho phần thực hành. Về vấn đề tổ chức thực hiện, quản lý đào tạo hiệu quả, nhà máy cần cử người chuyên trách, sắp xếp, giám sát lớp học và có sự rà soát, phản hồi thường xuyên để giải quyết, khắc phục kịp thời. Với đặc điểm vừa học vừa làm, theo đại diện Công ty CP Viglacera Yên Phong, nhà trường nên xây dựng chương trình đào tạo với thời lượng và thời gian phù hợp; ưu tiên triển khai lớp học vào cuối tuần để vừa đảm bảo tiến độ sản xuất, vừa đảm bảo kết quả học tập…

DSC_0934.JPG

Tất cả những ý kiến đóng góp, xây dựng đều được lãnh đạo Trường Cao đẳng Viglacera lắng nghe, ghi nhận.Thay mặt nhà trường, Hiệu trưởng Trần Ngọc Tính đã gửi lời cảm chân thành đến toàn thể các đơn vị và bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều phản hồi hơn nữa để từ đó nhà trường có sự điều chỉnh phù hợp.