Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2015 diễn ra từ ngày 21/9 - 26/9/2015 tại Thành phố Đà Nẵng. Đây là một trong những hoạt động định kỳ 3 năm một lần nhằm thiết thực đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, khuyến khích, động viên giáo viên dạy nghề học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Hình ảnh buổi lễ khai mạc Hội giảng
Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để giáo viên phấn đấu có đủ năng lực dạy học tích hợp đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề theo năng lực thực hiện. Hội giảng là nơi các giáo viên dạy nghề có cơ hội giao lưu, thi thố tài năng, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, thiết bị, đồ dùng dạy học… Thông qua Hội giảng, cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề đánh giá được năng lực giảng dạy thực tế của đội ngũ giáo viên dạy nghề, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. So với các Hội giảng trước, Hội giảng lần này có những bước phát triển đáng kể về quy mô lẫn chuyên môn.
Về quy mô: Có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký tham gia Hội giảng. Với tổng số 236 giáo viên (giáo viên nữ là 61 người, chiếm 25,84%) đến từ 159 cơ sở dạy nghề trong cả nước. Các bài giảng tham gia Hội giảng đều là bài giảng tích hợp. Quy mô giáo viên và cơ cấu bài giảng tham gia Hội giảng lần này cho thấy đội ngũ giáo viên dạy nghề đã có những bước chuyển biến tích cực về số lượng, cơ cấu, chất lượng thể hiện tại điểm số lượng giáo viên có khả năng dạy tích hợp phát triển mạnh.
Ngoài tổ chức các hoạt động của Hội giảng, Ban tổ chức còn bố trí cho các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thiết bị dạy nghề, các doanh nghiệp khác có nhu cầu tới giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại Hội giảng. Đây là cơ hội cho các nhà quản lý dạy nghề, các cơ sở dạy nghề, giáo viên dạy nghề trên toàn quốc có dịp lựa chọn thiết bị, doanh nghiệp có uy tín cung cấp thiết bị dạy nghề phù hợp với chương trình đào tạo. Theo dự báo, lưu lượng các đoàn khách tới tham quan các hoạt động Hội giảng lên tới 1.500 người.
Về ngành nghề: Hội giảng năm 2015 đã đề cập và mở rộng đến hầu hết các nhóm nghề, trong đó có: Nhóm nghề điện; Nhóm nghề điện tử, điện lạnh; Nhóm nghề công nghệ thông tin; Nhóm nghề cơ khí; Nhóm nghề động lực; Nhóm nghề giao thông vận tải; Nhóm nghề nông, lâm, ngư nghiệp, thuỷ lợi; Nhóm nghề xây dựng, ăn uống, may mặc, du lịch, dịch vụ, hàn...; và các nghề còn lại..
Về nội dung: Giáo viên tham gia Hội giảng thực hiện bài thao giảng được lựa chọn trong chương trình đang giảng dạy thuộc các môn kỹ thuật cơ sở nghề, lý thuyết chuyên môn nghề và thực hành nghề... đã đăng ký với Ban tổ chức từ trước.
Việc đánh giá các bài giảng sẽ do Hội đồng giám khảo gồm nhiều thầy cô có trình độ, nắm vững chuyên môn và phương pháp giảng dạy được lựa chọn ở cả ba vùng, miền (Bắc, Trung, Nam) mà nòng cốt là một số chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm, giáo viên hạt nhân đang giảng dạy tại các cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề trên toàn quốc đảm nhận. Các bài giảng được đánh giá theo tiêu chí thống nhất cho bài giảng tích hợp. Đánh giá bài giảng tập trung chủ yếu vào đánh giá công tác chuẩn bị (hồ sơ, đồ dùng, thiết bị giảng dạy, xác định mục đích, yêu cầu của bài giảng). Bài giảng phải phù hợp với mục đích, yêu cầu và trình độ học sinh, khối lượng kiến thức đưa ra trong một tiết giảng, bảo đảm độ chính xác, khoa học gắn với thực tiễn, trình bày logic với phong thái đĩnh đạc, tự tin, ngôn từ chính xác, rõ ràng, mạch lạc, có sự chuyển tiếp hợp lý, sinh động, hấp dẫn, trình bày đẹp, sử dụng hài hoà, triệt để đồ dùng, thiết bị giảng dạy, xử lý tốt mọi tình huống sư phạm, đặc biệt phát huy tính tích cực của học sinh, gây hứng thú cho người học.
Về sử dụng phương tiện dạy học: Có 100% bài giảng sử dụng phương tiện, thiết bị dạy học. Đặc biệt các mô hình, học cụ đưa đến Hội giảng bảo đảm có chất lượng tốt nhất, sát thực tế, phản ánh các tiêu chí cơ bản của thiết bị dạy nghề như tính sư phạm, tính thực tiễn, tính thẩm mỹ. Hội giảng khuyến khích giáo viên có bài giảng ở các ngành nghề đang phát triển mạnh mẽ, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại như công nghệ thông tin, cơ điện tử, hàn...
Sau 6 ngày tranh tài sôi nổi, thầy Đỗ Xuân Phương Khoa Cơ điện tự động hóa Trường cao đẳng nghề Viglacera đã đạt giải ba Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2015.
Hình ảnh thầy Đỗ Xuân Phương nhận giải ba Hội giảng
PGS. TS. Trần Ngọc Tính, Hiệu trưởng, Trường đoàn Trường Cao đẳng nghề Viglacera tham gia dự hội giảng
Lãnh đạo sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh dẫn đoàn tham dự hội giảng
Các giáo viên thuộc đoàn Sở lao động thương bình và xã hội tỉnh Bắc Ninh đoạt giải